JSOFT
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Ngày 04/8, trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21) đã diễn ra Diễn đàn Quản trị đất nước tốt với chủ đề: “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

 

Ông Phạm Minh Hùng tham luận tại Diễn đàn

 

Tham luận tại Diễn đàn, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt quá trình thực hiện công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cải cách; chính vì vậy, Việt Nam luôn luôn coi trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là công việc thường xuyên, liên tục để bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.


Về kết quả đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức

Thực hiện quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức tham gia các chương trình bồi dưỡng (về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng - an ninh, tin học, ngoại ngữ và kiến thức, kỹ năng trong thực thi công vụ,…) nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tính chung cả nước đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 3.230.000 lượt cán bộ, công chức. Tính đến 2021, đã có trên 90% cán bộ, công chức (ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện) đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định; tính trung bình trên cả nước, hàng năm có gần 90% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật; trên 85% được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; gần 80% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng trong thực thi công vụ.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:

Tính chung cả nước, có trên 90% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (đối với vùng đô thị, đồng bằng, tỷ lệ này đạt 100%; vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tỷ lệ này vào khoảng 90%). Trong số đó, có gần 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm;

Hàng năm, ít nhất có khoảng 72% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, đạo đức công vụ;

Về đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc: Có khoảng gần 35% cán bộ, công chức người dân tộc Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác;

Có gần 100% người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động.

Về kết đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức

Về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: Có khoảng 37% số viên chức được bồi dưỡng;

Số viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm đạt khoảng gần 50%;

Hàng năm có khoảng hơn 70% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Có khoảng 98% đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động theo quy định.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hơn 39.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, đối tượng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý khoảng 17.500 lượt người (chiếm 45%); công chức làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách là hơn 7.400 lượt người (chiếm 19%); số lượt giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài là khoảng 6.000 số lượt người (chiếm 16%).

Quang cảnh Diễn đàn Quản trị đất nước tốt
 
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế là một yêu cầu tất yếu, khách quan của Việt Nam trong quá trình cải cách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới, Việt Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Có chiến lược, quy hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức, viên chức cấp quốc gia một cách khoa học làm cơ sở định hướng cho quy hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương;

Đổi mới phương pháp, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng;

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; có cơ chế chính sách khai thác hiệu quả đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ giảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn phong phú tham gia giảng dạy (kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc, thực thi nhiệm vụ, công vụ,…);

Đổi mới phương thức, hoạt động quản lý đào tạo, bồi dưỡng;

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế;

Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức…

Thanh Tuấn

Tuyên bố ASEAN về việc tăng cường sự đáp ứng của nền công vụ đối với các thách thức mới  (26/07/2022)

Giới thiệu chung về Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ  (05/07/2022)

Vai trò Chủ tịch luân phiên ACCSM lần thứ 21 của Bộ Nội vụ Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2022  (05/07/2022)